Tác dụng của cà phê

Cà phê còn gọi là cà phê chè, cà phê Arabica, có tên khoa học là Coffea arabica L., thuộc họ Rubiaceae (Cà phê). Cà phê thường được dùng để trị suy nhược, mất sức do bệnh nhiễm trùng, mất trương lực dạ dày.

Hơn nữa, tùy vào từng loại cà phê mà thành phần, hàm lượng các chất dinh dưỡng có thể khác nhau, từ đó dẫn đến tác dụng cũng có thể khác biệt nhưng đều chứa nhiều caffeine, chất béo, protein, acid tannic, canxi, photpho, sắt, natri, vitamin B2, vitamin PP.

Các chuyên gia của Trường đại học Johns Hopkins, Mỹ chỉ ra cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa, các hợp chất có khả năng chống viêm, cung cấp năng lượng, cải thiện khả năng tư duy, giúp trí não tỉnh táo…

Ngoài ra, tiêu thụ cà phê còn giúp giảm cân thông qua việc đốt cháy lượng mỡ thừa, làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2, phòng ngừa bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson, chống trầm cảm, bảo vệ tế bào gan, giảm nguy cơ xơ gan, giảm tỷ lệ ung thư gan, giảm nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch trong đó có đột quỵ tim…

Những người không nên uống cà phê

Người mất ngủ

Một trong số những tác dụng lớn nhất của cà phê là giúp tỉnh táo, tăng khả năng tư duy, phù hợp với những người đang cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khả năng tập trung giảm.

Tuy nhiên, với những người mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc nếu uống cà phê có thể sẽ khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Người rối loạn lo âu

Người rối loạn lo âu thường có các dấu hiệu như căng thẳng, lo lắng quá mức, giảm khả năng tập trung, hay cảm thấy sợ hãi vô lý, người mệt mỏi, uể oải, tim đập nhanh, mạnh, hay thở gấp, run tay chân, đau đầu, mất ngủ…

Ngày nay do công việc và cuộc sống căng thẳng, nhiều áp lực, tình trạng rối loạn lo âu xuất hiện ngày một nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ.

Do trong cà phê có chứa hàm lượng caffeine cao, uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng các triệu chứng của rối loạn lo âu như lo lắng, tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu, mất ngủ… Vì vậy, những người có triệu chứng của rối loạn lo âu hay đã được chẩn đoán rối loạn lo âu không nên sử dụng thêm cà phê.

Người bị rối loạn lo âu không nên uống cà phê.

Người mắc các bệnh lý dạ dày

Cà phê là loại đồ uống có tính acid cao, uống quá nhiều cà phê có thể gây tăng acid dạ dày. Bên cạnh đó caffeine trong cà phê cũng được chứng minh là gây ra những cơn co thắt thường xuyên ở đường tiêu hóa.

Chính vì thế uống quá nhiều cà phê có thể khiến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản trở nên nghiêm trọng hơn.

Người bị loãng xương

Uống nhiều cà phê sẽ làm cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất vào xương, làm tăng nguy cơ loãng xương. Phụ nữ thời kỳ sau mãn kinh vốn là đối tượng có yếu tố nguy cơ cao với loãng xương.

Nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng ở Mỹ trên những người phụ nữ trong thời kỳ sau mãn kinh cũng cho thấy nếu họ uống hơn 300mg caffeine một ngày trong thời gian dài, với chế độ ăn uống nghèo canxi sẽ có nguy cơ loãng xương cột sống cao hơn.

Vì vậy những người đã có bệnh lý loãng xương, đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh có loãng xương, không nên uống cà phê.

Bên cạnh những vấn đề kể trên, uống quá nhiều cà phê còn có thể gây ảnh hưởng không tốt tới tuyến thượng thận, gây mất nước, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ…

Như vậy, cũng giống như nhiều loại đồ uống khác, cà phê nếu muốn là một loại đồ uống có lợi cho sức khỏe thì phải được sử dụng đúng cách, với lượng phù hợp và trên những người thích hợp.

Mời bạn xem tiếp video:

Lạ mà có thật: Uống cà phê giúp ngăn ngừa ung thư, kéo dài tuổi thọ.